PHẦN 1: MÔ HÌNH GIÁ LÀ GÌ? CÓ NHỮNG LOẠI MÔ HÌNH GIÁ NÀO?

Dưới đây là 1 số mô hình Phân tích kỹ thuật thường xuyên được sử dung để đưa ra các điểm mua - điểm bán và điểm Stoploss để đầu tư hiệu quả trên TTCK Việt Nam

I. Mô hình giá là gì?

Mô hình giá là tập hợp toàn bộ giá cả mà sau khi nối các điểm giá lại với nhau trong 1 khoảng thời gian cụ thể, sẽ tạo ra các hình dạng nhất định như mô hình 2 đỉnh, 2 đáy, mô hình vai đầu vai… thông qua đó, sẽ gợi ý cho trader biết hành động tiếp theo của giá là như thế nào, dựa trên những dữ liệu chúng từng làm trong quá khứ.

Tại sao cần phải quan tâm đến mô hình giá?

Việc sống còn đối với trader đó là đi tìm lời giải cho bài toán đố của ông thầy thị trường như: làm sao phát hiện ra những chuyển động giá cả trước khi chúng thực sự diễn ra.

Mô hình giá, về cơ bản, nó giống như máy dò mìn, nên khi áp dụng sẽ tìm được các điểm chôn mìn trên biểu đồ giá. Nhờ vậy, bạn sẽ hành động sớm hơn, trước khi chúng phát nổ, để thu về lợi nhuận tối đa.

Không kể, nếu quan sát các mô hình giá khác nhau, bạn sẽ thấy rằng giá cả thường có xu hướng lặp đi lặp lại, nên 1 khi mô hình được hình thành trong quá khứ, nếu chúng lại xuất hiện thời điểm hiện tại, đồng nghĩa thị trường sẽ có xu hướng phản ứng tương tự như với mô hình trước đó.

Nên, các mô hình giá trở thành tấm gương phản chiếu, giúp trader dễ dàng hơn trong việc xác định xu hướng tiếp theo giá sẽ đi như thế nào?

II. Top các mô hình giá nhất định phải biết

Có 2 cách chia mô hình giá gồm: Chia theo hình dạng và chia theo xu hướng.

Với hình dạng chúng ta sẽ căn cứ vào đỉnh và đáy để chia, nên về cơ bản mô hình giá sẽ có 2 loại chính gồm mô hình cấu tạo từ 2 đỉnh, 2 đáy và mô hình cấu tạo từ 3 đỉnh, 3 đáy. Ngoài cách chia này, sẽ còn có dạng mô hình nữa cũng được nhiều trader áp dụng là mô hình cái cốc và tay cầm hoặc mô hình nhíp.

Với dạng chia theo xu hướng sẽ chia làm 2 loại chính gồm: Mô hình đảo chiều và mô hình tiếp diễn.

Các bạn lưu ý đây là 2 dạng mô hình cơ bản nhất cần biết. Bởi còn có 1 dạng mô hình nữa được cấu tạo thành từ sóng như mô hình Wolfe Wave hay các mô hình Harmonic ABCD được tạo thành từ chính các mức của Fibonacci như mô hình dơi, bướm sau này có thêm cua… (Hình 1)

Trong bài này chỉ giới thiệu mô hình theo 2 hướng là mô hình tiếp diễn và mô hình đảo chiều.

Cách chia này là ổn nhất. Bởi bản chất của việc tìm các mô hình giá cũng chỉ là để xác định xem xu hướng đang tiếp diễn hay xu hướng chuẩn bị đảo chiều mà thôi.

Các bạn nhớ 1 điều khi xu hướng đã được hình thành nó sẽ không thể nào quay ngoắt 360 để đảo chiều xu hướng. Giống như khi chạy xe với tốc độ 150km/h thì bạn không thể quay ngược lại, ngay lập tức mà bắt buộc phải giảm ga từ từ rồi mới đổi hướng.

Trong thị trường chứng khoán cũng vậy, sẽ luôn có 1 giai đoạn chuyển giao và giai đoạn chuyển giao này cũng là lúc các mô hình dễ dàng hình thành nhất.

Chính vì thế, với các trader mới vào nghề, khi thấy cậu vàng yêu quý đang tăng, mà lỡ vào sell thì chỉ mong cậu giảm ngay tắp lự, nhưng điều đó sẽ không thể xảy ra, mà cần phải có giai đoạn đi ngang hay giai đoạn tạm ngừng nghỉ để củng cố xu hướng, trước khi tiếp diễn xu hướng cũ hoặc đảo chiều xu hướng.

Vì lẽ đó, càng lúc thị trường đi ngang hoặc chỉ chạy trong 1 khoảng giá nhất định các bạn hãy cố gắng nhìn biểu đồ theo dạng tổng quan để thấy 1 big picture đang hiển thị trước mắt các bạn là gì.

Không kể, trong quá trình này, nếu biết hết các loại mô hình giá, các bạn có thể tự suy đoán giá đang có vẻ muốn hình thành theo mô hình này, mô hình kia, nhằm đưa ra dự báo chính xác hơn, hoặc là bình thản đứng ngoài thị trường xem các con giời trader khác lao vào cuộc mua bán quay cuồng dưới bàn tay chỉ đạo của Mr Thị Trường. Sau đó, tới lúc chắc cú xác định được mô hình mới bắt đầu vào lệnh.

Tất nhiên, không phải giá cứ tạo ra mô hình đồng nghĩa là bạn sẽ win. Mô hình trong bất cứ trường hợp nào cũng đều bị phá vỡ, tuy nhiên tỷ lệ rủi ro sẽ giảm đi, nếu bạn biết được diễn tiến của hành động giá đang tiến về đâu như thế nào, các bạn nhé.

1. Mô hình giá đảo chiều

Như tên gọi mô hình đảo chiều là dùng để báo hiệu 1 sự đảo chiều về mặt xu hướng, ví dụ đang tăng thì sẽ chuyển thành giảm, ngược lại đang giảm sẽ thành tăng. (Hình 2)

► Một số mô hình đảo chiều quan trọng Trader nhất định phải biết:

♦ Mô hình 2 đỉnh hoặc mô hình 2 đáy

Đây là mô hình dễ nhìn ra nhất trông nó giống như cái mông đó, trông nó rất giống chữ M (với mô hình 2 đỉnh) hoặc chữ W (với mô hình 2 đáy). (Hình 3-4)

Mô hình vai đầu vai

Loại này thuộc dạng kinh điển rồi nó sẽ có phần khác 1 chút xíu so với mô hình 3 đỉnh và 3 đáy ở chỗ vì là Vai - Đầu - Vai nên 2 vai sẽ gần bằng nhau trong khi đó cái đầu phải cao hơn. ( Hình 5-6)

 

Mô hình 3 đỉnh hoặc mô hình 3 đáy (Hình 7)

Như trên có nói 3 đỉnh hoặc 3 đáy tương tự như vai đầu vai, nhưng các đỉnh và đáy về cấu tạo sẽ bằng nhau chứ ko có cao thấp ở đây. Các bạn lưu ý các mô hình tạo ra từ số 3 như vai đầu vai, 3 đỉnh, 3 đáy thời gian hình thành sẽ dài hơn so với mô hình 2 đỉnh hay 2 đáy.

Nhưng nó rất có giá trị 1 khi được xác nhận. Đặc biệt con số 3 là con số thần thánh trong PTKT, không chỉ mô hình giá mà các bộ nến hình thành từ số 3 như: sao hôm, sao mai, 3 con quạ đen đều là các mô hình đảo chiều vô cùng mạnh mẽ.

Một điểm nữa là các mô hình 3 đỉnh và 3 đáy thường thấy trong chứng khoán nhiều hơn trong PTKT.

Mô hình cái cốc và tay cầm (Hình 8)

Mô hình này mất rất nhiều thời gian để hình thành, có thể kéo dài từ 3-6 tháng, nên sau khi thực sự tích luỹ đủ giá cả sẽ có những bứt phá và tăng cực mạnh

Công thức chung tìm điểm vào lệnh, cắt lỗ và chốt lời của mô hình giá

Tất cả các mô hình này sẽ có công thức giao dịch chung 1 là khi bạn nhìn thấy giá đã phá vỡ, đóng nến dưới đường viễn cổ. Điều này cho thấy mô hình có thể đã được hình thành, bạn sẽ tìm điểm vào lệnh luôn. Tuy nhiên, cách này rất rủi ro, là bởi trong nhiều trường hợp phá vỡ giả xảy ra, nên để chắc cú rất nhiều Trader chờ khi mô hình bị phá vỡ, sau đó quay trở lại Pullback Retest lại đường viền cổ mới vào lệnh.

Bạn có thể nhìn ví dụ minh hoạ bên dưới giá sau khi phá vỡ đường viền cổ giá đã giảm, tuy nhiên sau đó giá vòng ngược trở lên để Retest đường viền cổ, và đây là thời điểm tốt nhất để vào lệnh. (Hình 9)

Mặc dù việc vào lệnh theo cách này sẽ muộn hơn, có thể sẽ khiến bạn không thu được nhiều lợi nhuận như khi giá phá vỡ đường viền cổ. Tuy nhiên, mức độ rủi ro sẽ được giảm thiểu đáng kể, bởi trong tất cả trường hợp này, bạn chỉ cần đặt cắt lỗ ở trên đỉnh hoặc đáy gần nhất. (Hình 10)

► Như vậy các bước cụ thể để giao dịch với mô hình giá chính là:

    • Bước 1: Chờ mô hình được hình thành (ví dụ vai đầu vai thì phải chờ cho mô hình ra đủ 2 vai và 1 đầu, chứ không phải thấy có 1 vai 1 đầu rồi đoán giá sẽ hình thành vai tiếp theo nên vào lệnh nha các bạn.)

    • Bước 2: Chờ giá phá vỡ qua đường viền cổ hoặc đường trendline chính để mô hình hoàn toàn được xác nhận.

    • Bước 3: để ăn chắc thì có thể chờ giá Pullback hoặc Retest tại đường viền cổ hoặc Trendline chính rồi mới thực sự bắt đầu tiến hành mở vị thế.

2. Mô hình giá tiếp diễn

Cũng tương tự như mô hình đảo chiều, các mô hình tiếp diễn dùng để báo cho Trader 1 sự tạm nghỉ trong xu hướng hiện tại và sẽ tiếp tục dịch chuyển theo xu hướng ban đầu.

So với mô hình đảo chiều thì các mẫu mô hình tiếp diễn thường tồn tại trong khoảng thời gian ngắn hơn.

Có 1 điểm lưu ý do bản chất của mô hình tiếp diễn xảy ra trong khoảng thời gian được xem là tạm nghỉ, sau đó khi mô hình được hình thành (theo lý thuyết) chúng sẽ tiếp tục xu hướng trước đó. Nên mô hình tiếp diễn thường được coi là dạng mô hình trung gian.

Như mình có nói so với mô hình đảo chiều, mô hình tiếp diễn thường được xem là mô hình ngắn hạn, chính vì thế khả năng bị phá vỡ của chúng sẽ rất cao. Nên trong nhiều trường hợp giá có thể không phá vỡ để tiếp tục đi theo xu hướng cũ nữa, thay vào đó, giá sẽ phá vỡ và đảo chiều hình thành 1 xu hướng mới.

Chính vì thế, khi thấy mô hình tiếp diễn, việc của bạn là không nên vào lệnh ngay thay vào đó, phải ngồi chờ xem giá phá vỡ có đi theo xu hướng cũ hay không.

Tức là nếu giá đang là xu hướng tăng thì giá sẽ phá cạnh trên, vào lệnh buy, nếu giá đang là xu hướng giảm giá sẽ phá vỡ cạnh dưới, vào lệnh Sell.

Hay là giá sẽ phá vỡ theo dạng đảo chiều. Điều này cho thấy với mô hình tiếp diễn bạn sẽ khó lòng vào lệnh sớm được, trừ phi bạn phải dựa trên 1 số yếu tố khác, bạn nhé. (Hình 10)

Các loại mô hình giá tiếp diễn phổ biến nhất

♦ Mô hình tam giác

Đây là loại mô hình vô cùng phổ biến, bạn sẽ nhìn thấy nó ở mọi lúc mọi nơi. Và vì nó dễ hình thành cho nên nó là loại mô hình dễ dãi, các bạn nhất định phải chờ nó phá cạnh nào mới vào lệnh nhé. Có 3 dạng mô hình tam giác gồm: mô hình tam giác tăng, tam giác giảm, tam giác đối xứng. (Hình 11)

Mô hình cờ đuôi nheo

Đây cũng là những dạng mô hình phổ biến, lưu ý so với mô hình tam giác thì mô hình cờ đuôi nheo cần phải có biên động về mặt thị trường 1 cách rõ rệt, khi mô hình này được hình thành nó cho thấy sự tạm nghỉ của đà tăng và đà giảm để lấy thêm đà mà tiếp tục chạy theo xu hướng cũ. ( Hình 12)

Mô hình cái nêm

Dạng này sẽ có 2 loại chính gồm nêm tăng và nêm giảm, lưu ý mặc dù mình xếp nêm vào mô hình tiếp diễn nhưng nêm cũng là dạng mô hình dễ dãi, nên việc của bạn cũng vẫn là chờ xem khi mô nêm hình thành nó phá vỡ theo cạnh thì sẽ vào lệnh theo.

Trong 1 thị trường xu hướng tăng, nêm được hình thành hay có độ dốc ngược xuống, chính vì thế nếu trong 1 xu hướng tăng nêm được tạo ra lại theo chiều dốc lên, rất có thể báo hiệu sự đảo chiều xu hướng chuẩn bị diễn ra thay vì tiếp tục xu hướng cũ, các bạn nhé.

Tương tự, trong 1 thị trường xu hướng (trước đó) giảm thì nêm tạo thành phải dốc lên, nếu tạo ra 1 nêm dốc thì có thể dự báo xu hướng giảm đã kết thúc và 1 đà tăng mới có thể sắp xuất hiện.

Nên nhớ câu thần chú này: Nêm đi lên thì giá sẽ phải đi xuống, mà nêm đi xuống thì giá sẽ phải đi lên. (Hình 13)

Mô hình chữ nhật

Đây là dạng mô hình đi ngang giá đang trạng thái tích lũy trước khi phản đòn, mô hình này có thể sẽ hình thành lâu hơn so với các mô hình trên, nên khi giá phá vỡ mà theo chiều tiếp diễn xu hướng thì thương sẽ tiếp tục tăng hoặc giảm rất mạnh so với xu hướng trước đó. Nghĩa là nếu trước là xu hướng giảm sẽ tiếp tục giảm mạnh, nếu trước là xu hướng tăng sẽ tiếp tục tăng mạnh. (Hình 14)

Công thức chung tìm kiếm điểm vào lệnh cho mô hình giá tiếp diễn

Đây chỉ là công thức chung còn trong mỗi mô hình đều có hướng dẫn cụ thể cách tìm điểm vào lệnh, điểm cắt lỗ và điểm chốt lời. Chi tiết từng mô hình sẽ chia sẻ trong các bài tiếp theo.

Tương tự như mô hình giá đảo chiều, điểm vào lệnh đẹp nhất đó chính là chờ đợi khi giá Backtest, giá cắt lỗ sẽ là đỉnh hoặc đáy gần nhất.

3. Một số lưu ý khi sử dụng mô hình giá

Cần phải có 1 xu hướng được hình thành trước khi mô hình đảo chiều được tạo ra. Điều này hoàn toàn đúng, bởi vì đây là các mô hình xác định sự đảo chiều của xu hướng nên nếu trước đó không có 1 xu hướng rõ ràng hay đang trong trạng thái đi ngang thì những mô hình này sẽ không thể nào hoạt động hiệu quả bởi nó sẽ không đúng với tên gọi của nó nữa.

Tín hiệu đảo chiều được xác định là phá vỡ đường Trendline chính hay trong các mô hình đó chính là đường viền cổ Neckline.

Mô hình được hình thành ở các khung càng lớn thì độ chính xác càng cao và giá trị khi phá vỡ càng lớn.

Sẽ có 2 dạng mô hình đảo chiều được hình thành là hình thành từ những đáy, hoặc hình thành từ những đỉnh. Trong đó các mô hình ở đáy (theo John Murphy) để hình thành cần nhiều thời gian hơn so với các mô hình ở đỉnh. Điều này cũng dẫn đến việc là mô hình ở đỉnh thường dễ dàng bị phá vỡ hơn so với các mô hình ở đáy.

Ngoài ra, vẫn theo John Murphy thì các mô hình được hình thành từ đỉnh giá có khuynh hướng tụt nhanh và mạnh hơn so với khi giá tăng, nghĩa là giá tăng thì chậm mà giá giảm thì nhanh ở những mô hình được cấu thành từ đỉnh. Từ đó cho thấy nếu giá giảm ở các mô hình này được xác định việc đặt các lệnh Sell khống sẽ thu về lợi nhuận nhiều hơn so với Buy.

∴∴∴∴∴∴∴∴∴∴∴∴∴∴∴∴∴∴∴∴∴∴∴

Tài liệu được Sưu tầm

Tổng hợp và biên tập áp dụng thực tế trên TTCK Việt Nam

Thúy Hiền (ĐT và Zalo: 0983 909 930)

∴∴∴∴∴∴∴∴∴∴∴∴∴∴∴∴∴∴∴∴∴∴∴

 

Bài viết cùng danh mục