PHẦN 8 - MÔ HÌNH NÊM (WEDGE) TĂNG VÀ GIẢM LÀ GÌ? HƯỚNG DẪN GIAO DỊCH VỚI MÔ HÌNH NÊM TĂNG VÀ GIẢM

Mô hình nêm (Wedge) tăng và giảm là dạng mô hình đảo chiều đáng tin cậy. Sau đây sẽ phân tích chi tiết các mẫu hình này

Mô hình nêm là dạng mô hình được xác định bởi 2 đường xu hướng đều hướng cùng về 1 phía, tạo ra hình dáng giống như một cái nêm.

Cấu tạo của mô hình cái nêm

Vì mô hình nêm khi hình thành sẽ là giai đoạn tích tụ của giá bị co cụm lại bởi 2 đường xu hướng. Cho nên mấu chốt hình thành 1 cái nêm chính là 2 đường xu hướng, với đường nằm trên được xem như là đường kháng cự và đường nằm dưới được xem là đường hỗ trợ, chúng có xu hướng dốc lên hoặc dốc xuống.

Và độ dốc của 1 cái nêm được xem là mấu chốt quan trọng nhất của mô hình này để phân biệt với các dạng mô hình khác. Không kể, việc dốc lên dốc xuống kết hợp với xu hướng diễn ra trước đó sẽ ảnh hưởng tới việc khẳng định nêm đó được đóng vai Tấm hiền lành thuỳ mị nết na luôn cam chịu, chung thuỷ với xu hướng trước đó, hay là vai Cám luôn tìm cách lật nhanh như trở bàn tay, trở thành 1 dạng mô hình đảo chiều.

Từ đây cũng sẽ chia ra làm 2 dạng gồm: nêm tăng với 2 đường xu hướng hướng lên trên.

Ngược lại, nêm giảm gồm 2 đường xu hướng hướng xuống phía dưới.

Và cũng từ đây sẽ hình thành 2 lối giao dịch là giao dịch nêm theo dạng tiếp diễn và giao dịch với mô hình nêm theo dạng đảo chiều.

Như vậy cấu tạo của mô hình nêm sẽ gồm 2 đường xu hướng cùng 1 vùng giá nằm trong 2 đường xu hướng này. Tuy nhiên, nếu phần bị nhốt ở mô hình chữ nhật sẽ là vùng giá ngang với việc giá sẽ đập lên đập xuống 2 đường xu hướng này tạo thành 2 đường song song, thì với mô hình nêm giá sẽ đi trong đây theo dạng sóng, nghĩa là tạo ra các đỉnh các đáy thấp dần hoặc cao dần tuỳ vào từng loại mô hình.

 Điều gì khiến mô hình cái nêm được hình thành?

Mô hình nêm là dạng mô hình nén nên quá trình hình thành nêm cũng chính là quá trình tích luỹ trước khi phát nổ, nhưng nếu so với mô hình chữ nhật thì quá trình này sẽ có phần trúc trắc trục trặc, lên lên xuống xuống để tạo các đỉnh các đáy theo hướng thấp dần hoặc tăng dần chứ không phải là những dạng đỉnh đáy ngang ngang như mô hình chữ nhật.

Diễn biến tâm lý mô hình cái nêm tăng

Mô hình cái nêm tăng về cơ bản giá khi phá vỡ cạnh nêm sẽ đều là xu hướng giảm, điều này cho thấy mặc dù được cấu tạo bởi 2 đường kháng cự và hỗ trợ dốc lên trên, nhưng do giá dần co cụm về cuối của cạnh nêm nên các đỉnh tạo ra trong mô hình nêm tăng đều theo dạng đỉnh thấp hơn đồng nghĩa phe mua thực sự đã yếu thế không đủ nhiệt để đẩy giá lên nhằm tạo ra đỉnh cao hơn và đáy cao hơn.

Ngược lại, nếu xu hướng trước đó và xu hướng giảm thì với việc vẫn tiếp tục tạo ra đỉnh thấp hơn cho thấy phe mua thực sự đã bị phe bán áp đảo, giai đoạn nêm được hình thành sẽ là giai đoạn củng cố để đà giảm tiếp tục được hình thành.

Như vậy ở đây sẽ có 1 điểm khá thú vị ở chỗ này chính là, mặc dù giá khi phá vỡ nêm tăng đều hình thành nên xu hướng giảm nhưng với mô hình đảo chiều đà giảm sẽ yếu và không mạnh mẽ bằng đà giảm trong mô hình nêm tăng giá theo dạng tiếp diễn. tôi sẽ lấy ví dụ kỹ hơn trong phần hướng dẫn giao dịch các bạn nhé.

Diễn biến tâm lý mô hình cái nêm giảm

Tương tự như nêm tăng, với nêm giảm sẽ được cấu tạo bởi 2 đường xu hướng dốc xuống phía dưới.

Thay vì giá có thể tiếp diễn theo xu hướng ban đầu thì giá bị nhốt bởi 2 đường này cho thấy các nhà đầu tư có vẻ đã mệt: 1 là đang cảm thấy phân vân, 2 là đứng ngoài quan sát và khi đường sóng hay xoắn ốc tạo ra trong nêm càng ngày càng thu hẹp dần, cũng là lúc mà đáy liên tiếp được tạo ra theo dạng đáy cao hơn.

Và lúc này phe mua chỉ cần tìm cách phá cạnh nêm , bao nhiêu ấm ức xưa nay bị dồn ứ lại được giải phóng thì giá sẽ bùng nổ và go to the moon.

Với mô hình nêm giảm thì dạng mô hình theo hướng tiếp diễn đà tăng của xu hướng trước đó sẽ thường đi xa và mạnh hơn so với dạng nêm giảm theo hướng mô hình đảo chiều.

Thế nào là 1 mô hình cái nêm chuẩn chỉnh?

Như vậy từ diễn giải phía trên, có thể thấy nêm vẫn bao gồm 2 đường xu hướng, nhưng 2 đường này chúng phải hoà thuận với nhau tức là lên thì cùng lên mà xuống thì cùng xuống.

Chứ còn ngang trái kiểu 1 đường thì hướng lên trên, đường còn lại hướng xuống dưới, ngược hướng nhau thì đấy sẽ được xác định là những dạng mô hình cờ, cờ đuôi nheo hoặc mô hình tam giác.

Ví dụ như ở hình sau, một đường dốc xuống và một hình dốc lên, thì đây sẽ không được xem là mô hình nêm.

Ngoài ra, vì được nhốt bởi 2 đường xu hướng nên theo Bulkowski, một trong những tác giả rất nổi tiếng về sách mô hình có cho rằng, giá cần phải chạm vào 2 đường xu hướng này ít nhất 5 lần, có nghĩa là ba điểm trên một đường xu hướng và ít nhất hai điểm cho đường còn lại.

Điều này về lý thuyết hoàn toàn đúng, bởi 1 theo định nghĩa về đường xu hướng thì chỉ cần 2 điểm để kẻ 1 đường xu hướng, nhưng cần phải có ít nhất là 3 điểm mới xác định được 1 xu hướng.

Nên khi giá chạm lên 1 đường ít nhất 3 lần, đó là dấu hiệu xác nhận 1 xu hướng được hình thành, nó sẽ có giá trị và tăng độ hiệu quả nếu như kết hợp điều này với xu hướng diễn ra trước khi nêm được hình thành.

Như ví dụ bên dưới, khi giá chạm đường hỗ trợ nhiều lần sẽ mang tới cho các bạn 2 thông tin:

  1. Xác nhận được xu hướng
  2. Khi giá chạm lên các đường xu hướng này càng nhiều lần nhưng không phá vỡ, càng chứng tỏ đường xu hướng rất mạnh và cứng. Nên khi giá có thể phá vỡ qua khỏi đường xu hướng để giảm xuống thì giá sẽ đi một đoạn rất xa.

Và cho dù ở dạng nào đi chăng nữa khi các bạn nối 2 đường xu hướng này lại với nhau thì những đỉnh đáy được tạo ra ở xung quanh mô hình nêm này vẫn phải theo công thức:

  • Mô hình nêm tăng: Sẽ tạo ra các đỉnh cao hơn và các đáy cao hơn.
  • Với dạng mô hình nêm giảm thì sẽ luôn tạo ra các đỉnh thấp hơn và đáy thấp hơn.

Và một điểm nữa cũng theo Bulkowski, khi giao dịch với mô hình nêm thì thời gian hình thành mô hình tối thiểu trong vòng 3 tuần và thường kéo dài không quá 4 hoặc 5 tháng.

Nếu như mô hình hình thành với thời gian ít hơn 3 tuần, sẽ là một trong những dạng mô hình khác cũng có thể là dạng mô hình cờ. Có thể thấy, với mô hình nêm sẽ được xem là dạng mô hình dài hạn, còn đối với dạng mô hình cờ sẽ được xem là mô hình ngắn hạn.

Như vậy, mấu chốt để tạo ra được một mô hình nêm chuẩn chỉnh đó là: Một là các đỉnh và đáy va chạm vào 2 cạnh nêm càng nhiều lần càng tốt, hai là các đường này phải cùng hướng lên hoặc cùng hướng xuống thì đấy mới được xem là mô hình nêm.

Tuy nhiên, nếu như bạn giao dịch theo lối lướt sóng thì bạn không nhất thiết cần phải tuân thủ đúng quy tắc này mà chỉ cần giá chạm ít nhất là 3 điểm cho 2 cạnh nêm là bạn cũng có thể giao dịch.

Nhưng các bạn lưu ý: Giá càng chạm ít thì mức độ phá vỡ hoặc mức độ mô hình bị Fake sẽ càng cao. Cho nên nếu như các bạn cảm thấy lệnh giao dịch đã có lời, thì nên suy nghĩ cân nhắc chốt hoặc là cần phải kết hợp với nhiều yếu tố khác để tránh rủi ro nhiều hơn các bạn nhé.

Hướng dẫn giao dịch với mô hình cái nêm

  • Bước 1: Xác định xu hướng bất kỳ trong trường hợp nào.

Ví dụ như dưới đây: Xu hướng phái trước là một đà tăng rất mạnh.

  • Bước 2: Xem xét đấy có phải là một mô hình nêm không thì các bạn có thể coi kĩ phần trước để tránh nhầm lẫn.
  • Bước 3: Phải chờ nến đóng cửa phá vỡ và nằm dưới cạnh nêm như chỗ tôi khoanh tròn, thì lúc đấy mới có thể xác định được đây là mô hình nêm.

Và cách  chốt lời nó sẽ khác so với các mô hình tôi từng hướng dẫn đó là không đo từ đỉnh cao nhất hoặc đáy thấp nhất tới đường viền cổ mà sẽ có 2 cách:

  • Cách thứ nhất là với dạng mô hình nêm trai đẹp chuẩn chỉnh cân xứng kiểu dạng như thế này thì các bạn có thể  chốt lời bằng cách đo khoảng cách từ điểm đầu các bạn vẽ của đường xu hướng phía trên và điểm đầu của cạnh đường xu hướng phía dưới.

  • Cách thứ 2: Với dạng mô hình nêm xấu trai vai u thịt bắp không đi theo hàng lối gì hết thì đỉnh cao nhất và phần đáy cao nhất ở trong cái nêm này nó rất là lệch lạc và nó có thể cách xa nhau một đoạn. Vì chúng không đối xứng nhau, khi bạn đo khoảng cách như thế này nó không chính xác. Cho nên sẽ không thể dùng cách như trên, các bạn có thể áng khoảng bằng đỉnh đầu hoặc đỉnh cuối mà khi giá phá vỡ trong từng loại nêm một để tính  chốt lời.

Còn với cắt lỗ với mô hình nêm tăng  như thế này thì các bạn sẽ đặt cắt lỗ tại đỉnh phía trên của cạnh nêm trên các bạn nhé.

Còn với nêm giảm thì các bạn sẽ đặt cắt lỗ tại đáy của cạnh nêm dưới cách một vài line.

Hướng dẫn giao dịch mô hình nêm tăng

Đây là một mô hình nêm chuẩn chỉnh rất là đẹp trai, phía trước là một xu hướng cực kỳ rõ ràng, đà tăng khá là mạnh, sau đó khi tạo nêm này thì giá bắt đầu co bóp và đi vào trong vòng nêm, liên tiếp tạo ra được các đỉnh cao hơn và đáy cao hơn như thế này, tới đây không làm chủ được nữa thì bắt đầu phá qua khỏi đường xu hướng phái dưới này và đảo chiều giảm mạnh.

Giao dịch với mô hình nêm tăng, khi nêm tăng mà giá phá vỡ sẽ làm cho giá giảm còn đối với các dạng mô hình nêm giảm như thế này khi giá phá vỡ thì giá sẽ tiếp tục tăng lên. Vì thế cần nhớ: NÊM TĂNG THÌ GIÁ GIẢM MÀ NÊM GIẢM THÌ GIÁ TĂNG.

 Mô hình nêm là dạng mô hình mà có cả hướng tiếp diễn và đảo chiều rất ba phải, ai bảo gì cũng nghe cho nên ví dụ như trong trường hợp này thì xu hướng phía trước là xu hướng tăng và sau khi tạo cái nêm tăng lên như thế này thì giá đã đảo chiều giảm xuống. Ở đây chốt lời chính là đo khoảng cách  để có thể dự kiến chốt lời như minh họa bên dưới.

Tất nhiên, đây chỉ mang tính tương đối chứ không thể nào mà tuyệt đối được, bởi vì trong rất nhiều trường hợp chỉ cần chốt lời làm sao phù hợp với tài khoản và phù hợp với cái mong muốn của chúng ta là được rồi. Đừng tham quá và cũng đừng kỳ vọng nhiều quá đôi khi chỉ vì kỳ vọng nhiều quá thì xanh lại chuyển thành đỏ, sẽ rất đáng tiếc!

Bây giờ, chúng ta sẽ cùng nhau đi xem một dạng mô hình nêm tăng nhưng theo lối tiếp diễn.

 Ở ví dụ trên, phía trước là một đà giảm. Sau khi giá phá vỡ cạnh nêm như thế này thì giá đã giảm rất mạnh.

Một trong những vấn đề  ở đây cho thấy Cổ phiếu HCM đang ở trong giai đoạn tích lũy, cho nên đôi lúc quá trình tích lũy  này không nhất thiết phải nằm ở đáy hoặc là nằm ở đỉnh mà nó sẽ nằm ở cái đoạn lưng chừng như hình phía trên, bởi vì nó tiếp diễn xu hướng phía trước.

Như ở đây, sau khi tạo nêm cũng là cái quá trình tích lũy này diễn ra thì Cổ phiếu HCM đã giảm rất mạnh.

Trong rất nhiều trường hợp không phải cứ phá vỡ cạnh này thì có nghĩ là giá sẽ đi một vòng lao thẳng xuống mặt đất như thế này đâu. Quan sát kỹ bạn sẽ thấy giá đã phá qua khỏi đường xu hướng phía dưới hay là đường hỗ trợ, sau khi phá hỗ trợ thì hỗ trợ sẽ biến thành kháng cự, thế nhưng giá vẫn loanh quanh luẩn quẩn ở đây.

Nếu như cảm thấy không chịu đựng được thì hãy chốt đi, thà chốt non mà có lời còn hơn là chờ đợi cuối cùng gây ra sự tiếc nuối. Bởi vì, trong rất nhiều trường hợp nếu như giá mà lên cắn cắt lỗ, sau đó mới bắt đầu quay đầu  giảm thì có thể làm cho tài khoản của các bạn thiệt hại đáng kể.

Hướng dẫn giao dịch với mô hình nêm giảm

Cổ phiếu HPG đã tạo ra được một mô hình nêm, giá cũng đã bắt đầu chạm rất nhiều lần lên nêm.

Và sau khi giá phá vỡ đường xu hướng phía dưới thì giá đã có một đà giảm mạnh, để tiếp diễn đà giảm ở phía trước.

Vậy thì các bạn cũng thấy được rằng là các mô hình nêm mà xuất hiện ở khúc lưng chừng như thế này nó có thể sẽ rất dễ gây nhầm lẫn với các dạng mô hình khác bởi vì lưng chừng này mà nếu lên thì mới gọi là lưng chừng nhưng từ đây nếu mà lại giảm xuống như thế này nó không còn là lưng chừng nữa mà nó sẽ trở thành đỉnh.

 Thành ra là tất cả các dạng mô hình, tất cả các phương pháp nó chỉ mang tính tương đối mà thôi, ngay cả trong phần hướng dẫn về giao dịch với mô hình nêm nhưng khi học các dạng mô hình này có thể kết hợp các mô hình này với các chỉ báo và rất nhiều các công cụ khác để có thể đưa ra được nhiều các tín hiệu đồng thuận cùng cung cấp thông tin thì lúc đó kết quả giao dịch nó sẽ tốt hơn rất nhiều.

Bây giờ sẽ lấy tiếp một ví dụ về giao dịch với mô hình nêm giảm đảo chiều.

Đây là 1 mô hình cái nêm giảm, với việc tạo ra 2 đường xu hướng hướng xuống phía dưới. Do để nến ngày nên các bạn thấy nó ngắn ngủn vậy, thực tế giá cũng đã giảm rất mạnh.

Từ đây bắt đầu hình thành nên một cái nêm và sau khi giá phá vỡ cạnh trên thì giá đã đi rất là xa.

Một số thắc mắc về mô hình nêm tăng hoặc nêm giảm

Mô hình nêm là dạng mô hình tiếp diễn hay đảo chiều?

Nêm có thể là mô hình tiếp diễn hoặc mô hình đảo chiều.

Hai đường xu hướng trong  mô hình nêm sẽ phải luôn cùng hướng với nhau?

Đúng, lên thì cùng lên và xuống thì cùng xuống.

Mô hình nêm hay xuất hiện ở đâu?

Lúc thị trường chuẩn bị có sự kiện đặc biệt, tin lãi suất, chủ tịch FED chuẩn bị phát biểu. Lúc đó, thường Trader hay chờ giá Break cạnh nào sẽ đánh theo cạnh đó. Tuy nhiên, giao dịch lúc tin ra rất rủi ro và nguy hiểm, khi chưa thực sự có kinh nghiệm thì nên đứng ngoài hoặc nếu muốn chơi thì nên đánh nhỏ, đánh vui đừng đánh theo dạng đặt cược hoặc phang với khối lượng lớn.

Trên đây là toàn bộ hướng dẫn về mô hình nêm tăng và nêm giảm. Hy vọng các hướng dẫn này sẽ giúp ích cho quá trình giao dịch chứng khoán. Mô hình cái nêm là một dạng mô hình khá dễ dãi và xuất hiện rất nhiều trong giao dịch chứng khoán.

Cho nên cần nghiên cứu rõ về điểm cấu tạo của mô hình, cũng như thế nào là một mô hình nêm chuẩn chỉnh để tránh nhầm lẫn trong quá trình giao dịch chứng khoán.

∴∴∴∴∴∴∴∴∴∴∴∴∴∴∴∴∴∴∴∴∴∴∴

Tài liệu được Sưu tầm

Tổng hợp và biên tập áp dụng thực tế trên TTCK Việt Nam

Thúy Hiền - Team Công Tuyền Darvas

∴∴∴∴∴∴∴∴∴∴∴∴∴∴∴∴∴∴∴∴∴∴∴

Bài viết cùng danh mục