PHẦN 1 - CÁC MÔ HÌNH NẾN ĐẢO CHIỀU CẦN BIẾT KHI THAM GIA GIAO DỊCH CHỨNG KHOÁN (TIẾP)

 II. CÁC MÔ HÌNH NẾN ĐẢO CHIỀU TĂNG GIÁ

1. Dragonfly Doji (Nến Doji chuồn)

    Nến đầu tiên thuộc họ hàng Doji đảo chiều chính là Dragonfly Doji. Nhân nói về mẫu nến này, sẽ cùng nhau tìm hiểu về nến Doji trước đã nhé.

    Nến Doji là một trong những mô hình đảo chiều phổ biến nhất không chỉ vì giá trị hiệu quả chúng mang lại, mà còn vì hình dáng đặc biệt, rất dễ nhận ra. Với phần thân nến bị co lại nằm ở giữa cho thấy giá đóng cửa và mở cửa đều bằng nhau, nên trông chúng giống như 1 cây thánh giá vậy. Doji thường xuất hiện sau một động thái giảm giá hoặc tăng giá kéo dài, hoặc đôi khi là trong thị trường đi ngang.

    Sở dĩ có điều đó là bởi xét về mặt tâm lý, Doji thể hiện sự phân vân giữa phe mua và phe bán, khi mẫu nến này được hình thành thể hiện sự giằng co của phe tăng giá lẫn phe giảm giá. (Hình 1)

    Cũng chính vì thế, Doji không chỉ xuất hiện ở cuối xu hướng giảm mà chúng còn xuất hiện cả ở xu hướng tăng. Điều này cũng dễ hiểu bởi sau 1 xu hướng tăng hoặc giảm dài hạn, phe thắng thế bắt đầu mệt mỏi. Chính vì thế, đã tạo ra sự lưỡng lự, nên khi Doji xuất hiện cho thấy thị trường cần nghỉ ngơi. Và đây cũng là dấu hiệu cho thấy thị trường có thể sẽ tìm cách thiết lập 1 xu hướng mới.

    Nhìn vào ví dụ phía trên sẽ thấy xuất hiện nhiều nến Doji đảo chiều vì nằm ở trên đỉnh, sau 1 cuộc tăng giá. Thể hiện phe mua có vẻ như không thể nào tiếp tục áp đảo phe bán nên rất dễ xảy ra sự đảo chiều, và cuối cùng phe bán đã thắng thế giá bắt đầu giảm, hình thành 1 xu hướng mới.

Về cơ bản, nến Doji đảo chiều có 4 loại chính gồm: Nến Doji thường, Doji bia mộ, Doji chuồn và Doji chân dài. (Hình 2)

     Với mô hình đảo chiều tăng giá thì nến Dragonfly Doji sẽ là mẫu mô hình bạn nên quan tâm nhất trong số 4 mẫu Doji như ảnh trên.

Đặc điểm của nến đảo chiều Dragonfly Doji (Nến doji chuồn chuồn): (Hình 3)

    • Vị trí xuất hiện: Cuối xu hướng giảm.

    • Thân nến ngắn.

    • Bóng nến dưới dài nhưng không có bóng nến trên hoặc rất ngắn.

    Dragonfly Doji được tạo ra khi giá mở cửa, giá đóng cửa trùng nhau và cũng chính là giá cao nhất trong phiên. Như vậy khi Dragonfly Doji hình thành nằm ở cuối xu hướng giảm giá, cho thấy 1 cuộc chiến giữa phe mua và phe bán. Trong thời gian đầu, phe bán rất có thể thắng thế đã kiểm soát và đẩy giá xuống cực thấp. Nhưng về cuối phiên, phe mua đã cố gắng đẩy giá lên lại để kiểm soát tình hình, đồng thời giá đóng cửa cũng chính là giá cao nhất của phiên.

    Do lúc đầu phe bán cố đẩy xuống và có vẻ như đã thành công. Nhưng khi áp lực mua tạo ra, khiến cho nến rút chân tạo ra 1 bóng nến dưới dài như phần thân và phần đuôi con chuồn chuồn. Và nếu bóng nến càng dài thì cho thấy lực mua áp đảo càng mạnh và càng khẳng định xu thế đảo chiều có thể sẽ diễn ra.

2. Bullish Engulfing (Nhấn chìm tăng)

    Tương tự như nến Doji chuồn, mô hình Bullish Engulfing cũng xuất hiện ở cuối 1 xu hướng giảm. Lưu ý, mẫu nến này buộc phải nằm ở cuối xu hướng giảm chúng mới mang lại hiệu quả cao. Đặc biệt nếu Bullish Engulfing lại nằm đúng vùng kháng cự thì hiệu quả của chúng sẽ càng có giá trị hơn. (Hình 4)

    Bullish Engulfing mang ý nghĩa là nến nhấn chìm tăng, ngược với mẫu này chính là nhấn chìm giảm mà bạn có thể tham khảo trong phần sau.

    Đây là mẫu mô hình 2 nến chứ không phải là mẫu nến đơn như nến Doji, để có thể hình thành được theo đúng nghĩa của chữ này buộc sẽ phải 1 nến che phủ toàn bộ nến còn lại, và thường là độ dài của cây nến thứ 2 sẽ lớn hơn rất nhiều so với cây nến thứ nhất.

Đặc điểm nến Bullish Engulfing: (Hình 5)

    • Xuất hiện ở cuối xu hướng giảm.

    • Cây thứ 1 là 1 cây nến giảm.

    • Cây thứ 2 sẽ là 1 cây nến TĂNG bao trùm toàn bộ thân của cây nến đầu tiên. Chỉ cần che phủ phần body hay thân nến không nhất thiết phải che phủ toàn bộ cả râu nến.

    • Tín hiệu đảo chiều sẽ trở nên mạnh hơn khi nến đỏ là một cây doji.

Ý nghĩa của nến Bullish Engulfing

    Sau 1 đà giảm mạnh mẽ, giống như kiểu đang trời hạn gặp cơn mưa rào. Và khi nến tăng xuất hiện với thân nến lớn cảm giác như nuốt chửng cả cây nến đỏ trước đó, nên Bullish Engulfing mới mang ý nghĩa mạnh mẽ về sự đảo chiều.

    Ngoài ra, khi cây nến xanh tăng xuất hiện có thể cho thấy phe mua đang đổ xô vào thị trường khống chế đà giảm, lấy đà để đẩy giá tăng lên. Sau khi cây nến xanh kết thúc, sẽ có nhiều nhà giao dịch 1 lần nữa muốn xác định xem đây có thực sự là điểm khởi đầu cho xu hướng tăng không, vì lẽ đó họ sẽ có thể là đẩy giá xuống các vùng hỗ trợ chính và chống lại hành vi giá đang tăng kia. Tuy nhiên, họ (Phe bán) dường như không đủ sức để đẩy giá xuống hơn nữa, nên cuối cùng lại tiếp tục tạo ra các cây nến xanh. Và đây cũng là lúc để xác nhận xu hướng tăng chuẩn bị bắt đầu. (Hình 4)

Ví dụ về mô hình nến đảo chiều nhấn chìm tăng Bullish Engulfing: (Hình 6)

    Như thấy cây nến thứ 1 đã bị cây thứ 2 ôm trọn hoàn toàn, nhờ vậy đã làm cho mô hình giá đảo chiều tăng lên sau khi mô hình nến nhấn chìm tăng Bullish Engulfing được thiết lập.

3. Piercing Pattern (Nến Đường nhọn)

    Được hình thành vào cuối xu hướng giảm, là mô hình 2 nến tương tự như nến nhấn chìm tăng được chúng tôi giới thiệu trước đó. (Hình 7)

Đặc điểm của nến đường nhọn Piercing Pattern (Hình 8)

    • Nằm cuối xu hướng giảm giá

    • Gồm 2 nến

       Nến 1: Là nến giảm giá khá lớn

       Nến thứ 2: Sẽ là 1 nến tăng giá có chiều dài ít nhất phải bằng 50% so với nến giảm đứng trước nó.

    • Giá mở cửa của nến tăng (nến thứ 2) gần như phải tạo ra 1 khoảng cách biệt (như bạn nhìn thấy được đánh dấu bằng chữ GAP ở trong hình). Ngoài ra, nến tăng hay nến xanh có giá đóng cửa nằm ở trên 50% so với giá của cây nến đỏ thứ 1.

Ý nghĩa của mô hình nến đường nhọn Piercing Pattern

    Vào cuối một xu hướng giảm mạnh tất nhiên vẫn thường là các cây nến đỏ xuất hiện, trong trường hợp này là một cây nến đỏ lớn. Nhưng khi nến tiếp theo xuất hiện là 1 nến tăng cho thấy có 1 hy vọng về việc tăng giá, điều này đã làm cho đà giảm bị kéo lại khiến cho khoảng cách giữa giá tăng và giá giảm được ngắn lại và tạo ra 1 khoảng Gap. Điều này càng thấy rõ khi vào giai đoạn cuối phiên, phe bò (phe tăng giá) đã tìm cách lấy lại quyền kiểm soát rồi đẩy giá trở lại và gần như lấy lại tất cả những gì mất mát từ cây nến đỏ trước đó.

    Chính vì vậy, khi mô hình nến Piercing Pattern xuất hiện báo hiệu sự hy vọng cho phe bò có thể làm chủ tính thế, hay giá tăng cao đã đang tác động lên thị trường, nên nếu nến tiếp theo cũng là nến tăng sẽ cho thấy xu hướng tăng sẽ bắt đầu.

Ví dụ về mẫu Piercing Pattern (Hình 9)

    Có thể nhìn thấy biểu đồ VCI ở trên cho thấy sự hiện diện của một mẫu Piercing Pattern đã được khoanh lại. Trước mô hình này là một xu hướng giảm mạnh với việc tạo ra các đáy thấp hơn, đỉnh thấp hơn.

    Kết hợp với chỉ báo RSI đã được sử dụng như một xác nhận bổ sung cho sự đảo chiều. Từ biểu đồ, chỉ báo RSI cho thấy tín hiệu quá bán giúp củng cố thêm mức hiệu quả cho mô hình đảo chiều từ nến Piercing Pattern mang lại.

4. Bullish Harami (Mẹ bồng con tăng)

    Bullish Harami là một mô hình hai nến thường được tìm thấy để đánh dấu sự đảo chiều nằm cuối một xu hướng giảm. Với cây nến thứ nhất có màu đỏ và cây nến thứ hai tương đối nhỏ hơn có màu xanh lá cây. Giá mở của nến xanh đã tăng cao hơn so với giá đóng cửa của nến đỏ nên tạo ra 1 khoảng Gap. Giá mở và đóng của nến xanh nằm trong giá mở và đóng của nến đỏ. Từ “Harami” trong tiếng Nhật có nghĩa là một phụ nữ mang thai hoặc cơ thể. (Hình 10)

Đặc điểm của nến Bullish Harami (Hình 11)

    • Nến 1 với dạng Harami Bullish sẽ là nến đỏ dài.

    • Nến 2 sẽ là 1 nến xanh, nến tăng giá.

    • Nến thứ 2 phải tạo được 1 khoảng trống giá so với nến thứ nhất tưởng tượng giống như kiểu cái bụng bầu được nhô ra khỏi cơ thể vậy.

Ý nghĩa của mô hình nến Bullish Harami

   Sau khi một xu hướng giảm mạnh đã có hiệu lực, một cây nến đỏ dài đóng cửa như mong đợi. Giá nến mở tiếp theo có 1 khoảng chênh lệch giá so với giá đóng cửa của nến đỏ trước đó. Nến xanh đóng cửa dưới giá mở của nến đỏ. Điều này có thể thấy, phe giảm đang lo ngại rằng phe tăng có thể kiểm soát được tình hình. Nên nếu có một nến tăng xanh đứng ngay đằng sau Harami Bullish, sẽ xác nhận rằng xu hướng đã đảo ngược và là một tín hiệu để bạn có thể Buy. (Hình 12)

    Có thể nhìn thấy biểu đồ Vnindex ở trên cho thấy sự hiện diện của một mẫu Harami Bullish đã được khoanh lại. Trước mô hình này là một xu hướng giảm mạnh với việc tạo ra các đáy thấp hơn, đỉnh thấp hơn.

    Kết hợp với chỉ báo RSI đã được sử dụng như một xác nhận bổ sung cho sự đảo chiều. Từ biểu đồ, chỉ báo RSI cho thấy tín hiệu quá bán giúp củng cố thêm mức hiệu quả cho mô hình đảo chiều từ nến Harami Bullish mang lại.

5. Hammer (Nến búa)

    Hammer là mẫu nến đơn tiếp theo được Trader sử dụng để tìm dấu hiệu đảo chiều. Thực tế, nến búa đảo chiều Hammer kha khá giống với nến Doji, khi có thân nến nhỏ cùng bóng nến dài. Tuy nhiên, chúng không hoàn toàn co cụm lại nằm ở giữa cây nến.

    Thay vào đó, chúng dịch chuyển hoàn toàn thân nến lên phía trên đầu, hoặc xuống dưới, chỉ với 1 chút bóng nến đi kèm cùng phần râu nến cực dài. (Hình 13)

Ví dụ về nến Hammer: (Hình 14)

    Nhìn vào minh họa phía trên bạn sẽ thấy nến Hammer chỉ phát huy tác dụng khi có điều kiện đi kèm, tức là phải có nhiều cây nến đỏ liên tiếp xuất hiện. Đặc biệt, màu sắc nến không làm thay đổi chức năng của Hammer.

    Có bốn biến thể tương tự của nến Hammer bao gồm: (Hình 15)

    Hai trường hợp đầu tiên là xu hướng giảm, đảo ngược với động thái tăng giá. Sự khác biệt giữa hai cây nến là ở nến thứ 2 có 1 râu nến rất dài nằm ở hướng ngược lại. Mô hình này được gọi là Búa ngược.

    Mẫu mô hình thứ 3 trong ví dụ trên bạn có thể thấy đây là xu hướng đảo chiều giảm với râu nến dài. Mẫu này thường được biết đến với tên gọi Hanging Man hay người đàn ông treo cổ.

    Mẫu mô hình thứ tư trông cũng tương tự như mẫu Hammer nhưng được biết đến bằng tên gọi nến bắn sao hay Shooting Star. Cũng là mẫu mô hình đảo chiều khi nến xuất hiện sau một xu hướng tăng và bóng nến dài nằm ở đầu trên báo hiệu xu hướng giảm chuẩn bị xuất hiện.

6. Inverted Hammer (Nến búa ngược)

    Inverted Hammer cho tín hiệu đảo chiều tăng, mô hình này thường không được sử dụng riêng lẻ mà cần phải kết hợp thêm ít nhất một cây nến sau đó nữa.

    Nếu đã biết đến mô hình Hammer (Nến Búa), có thể sẽ ngạc nhiên khi thấy cả 2 mô hình Hammer và Inverted Hammer đều cho tín hiệu đảo chiều tăng. Mặc dù chúng hoàn toàn trái ngược nhau như chính tên gọi, một nến hướng đuôi xuống dưới, một nến đưa đuôi lên cao.

    Tuy nhiên, với những diễn biến tâm lý đằng sau, cả hai mô hình này thực sự đều cho tín hiệu tăng giá. Tất nhiên độ tin cậy và cách sử dụng của chúng sẽ khác nhau. (Hình 16)

Đặc điểm của nến búa ngược (Inverted Hammer)

    • Thân nến nhỏ, bóng trên rất dài, bóng dưới ngắn.

    • Xuất hiện tại đáy của xu hướng giảm.

    • Có thể là một nến tăng hoặc một nến giảm.

Ý nghĩa của nến búa ngược (Inverted Hammer)

    Trong một xu hướng giảm, giá liên tục bị đẩy xuống thấp hơn. Khi bên mua đã có đủ năng lượng, họ đẩy giá lên cao hơn trong một thời gian ngắn. Người mua dùng toàn lực để đưa giá lên cao nhất có thể. Hành động này tạo ra bóng nến dài.

    Tuy nhiên, sự tăng giá đó không duy trì được lâu, thị trường quay trở lại gần mức mở cửa. Bên cạnh đó, bóng nến dưới ngắn cho thấy giá cũng không thể đâm xuống dưới quá sâu được do lực phòng thủ mạnh của bên mua. Mô hình Inverted Hammer thể hiện thị trường đã bắt đầu manh nha thăm dò mức giá phía trên với mong muốn đẩy giá tăng cao hơn nữa.

Ví dụ : Mô hình Inverted Hammer xuất hiện ở cuối xu hướng giảm của Vnindex. Sau hình thành Mô hình Inverted Hammer thì sau đó được xác nhận bởi 3 cây nến xanh tăng giá ( Ba chàng lính áo trắng). Sau đó 1 xu hướng tăng khá mạnh. (Hình 17)

 7. Morning Star (Nến Sao mai)

    Nên Sao mai Morning Star là mẫu mô hình 3 nến với cây đầu tiên là một cây nến dài màu đỏ, cây thứ hai là một cây nến tương tự như Doji / Hammer / Inverted Hammer (Miễn là nến giữa có giá mở tương tự như giá đóng cửa là được), và nến thứ ba là một cây nến dài màu xanh lá cây. Mô hình này tất nhiên sẽ xuất hiện ở xu hướng giảm. (Hình 18)

    Nến Sao Mai Morning Star thực tế chính là sao Kim. Tuy nhiên ngôi sao này có 2 biến thể với sao mọc vào lúc bình minh sẽ được gọi là sao Mai, sao xuất hiện lúc hoàng hôn xuống gọi là sao Hôm.

    Vì là sao buổi sớm nên đây được xem như là điều dự báo những điều tuyệt vời, tươi sáng, ấm áp đang diễn ra. Nên Morning Star hay sao Mai mới dùng để đặt tên cho mẫu đảo chiều tăng giá là vì vậy.

Đặc điểm của mô hình Morning Star (mô hình sao Mai) (Hình 19)

     • Nến thứ 1 là cây nến giảm dài.

     • Nến thứ 2 có phần thân nhỏ, có thể là một nến Doji tăng hoặc giảm.

    • Nến thứ 3 buộc phải là một nến tăng cao.

Diễn biến tâm lý mẫu mô hình Sao Mai

    Mô hình Morning Star bắt đầu với một nến giảm dài cho thấy bên bán hiện đang kiểm soát tình hình và vẫn tiếp tục đẩy giá xuống trên đà hưng phấn. Tuy nhiên, thị trường bắt đầu lưỡng lự, một số người trong cuộc chốt lời, một số người ngoài cuộc bắt đầu tham gia mua, một số người khác lại e dè và không muốn giao dịch. Lúc này thị trường cân bằng, tạo ra một cây nến thân ngắn, chưa thể tiếp tục xu hướng giảm mạnh.

    Tiếp tục, lực mua mới xuất hiện, nhiều người bán đã chuyển sang phe mua tạo ra áp lực đẩy giá lên cuối cùng đóng cửa ở mức cao cho thấy bên mua đã vùng lên để làm chủ tình thế. Cũng chính tại lúc này, nhiều người vào lệnh bán ở nến số 1 và số 2 đã chịu một khoản lỗ kha khá. Khi một số người phải cắt lỗ, thậm chí chuyển qua bên mua, giá sẽ tăng lên và hỗ trợ thị trường đảo chiều. (Hình 20)

8. Bullish Abandoned Baby (Em bé bị bỏ rơi) (Hình 21)

    Đây là 1 mẫu mô hình 3 nến, với 2 cây nến bên ngoài to lớn và giữa 1 một nến Doji nhỏ tách biệt hoàn toàn 2 cây còn lại. Các khoảng trống giá để lại một khoảng cách rõ ràng giữa nến doji với cây nến thứ nhất và thứ ba, khiến trông như thể 1 em bé bị bỏ rơi vậy.

    Đây là mô hình đảo chiều có thể xảy ra vào cuối đợt tăng giá. Nó thường ít xuất hiện trong giao dịch chứng khoán.

Đặc điểm của Bullish Abandoned Baby (Đứa trẻ bị bỏ rơi) (Hình 22)

    • Cấu tạo bởi 3 nến.

    • Cây nến 1 là cây nến giảm vẫn theo xu hướng trước đó.

    • Cây thứ 2 là 1 cây doji phải tạo ra 1 khoảng cách rõ rệt so với 2 nến còn lại, cảm giác như bị bỏ rơi, lạc long giữa 2 cây nến lớn.

Ý nghĩa của mẫu nến Em bé bị bỏ rơi (Hình 23)

    Mô hình đảo chiều em bé bị bỏ rơi xuất hiện trong 1 xu hướng giảm, sau khi một loạt nến giảm có mức giá đóng cửa càng ngày càng thấp hơn. Đây là 1 dạng mô hình đảo chiều rất hiếm gặp vì cấu tạo của nó sẽ là 1 nến Doji với các khoảng trống xuất hiện ở các nến trước và nến đứng đằng sau nến Doji.

    Thị trường lúc này đang theo xu hướng giá giảm với 1 lực bán cực mạnh khiến cho nến ngày thứ nhất là nến giảm mạnh. Tuy nhiên, đến ngày thứ 2 do biên độ dao động mua và bán hẹp đến mức giá đóng cửa gần bằng với giá mở cửa, tạo ra 1 nến Doji cùng 1 khoảng trống so với nến trước đó. Tới ngày thứ 3 xuất hiện 1 nến tăng giá gần như không có bóng nến khiến cho chúng tạo thêm 1 khoảng trống theo hướng ngược lại. Và chính khoảng trống tăng giá trên nến thứ ba đã giúp mô hình được hoàn thành, dự đoán giá có xu hướng sự phục hồi sẽ tiếp tục ở mức cao hơn nữa kích hoạt xu hướng tăng trên quy mô lớn.

∴∴∴∴∴∴∴∴∴∴∴∴∴∴∴∴∴∴∴∴∴∴∴

Tài liệu được Sưu tầm

Tổng hợp và biên tập áp dụng thực tế trên TTCK Việt Nam

Thúy Hiền (ĐT và Zalo: 0983 909 930)

∴∴∴∴∴∴∴∴∴∴∴∴∴∴∴∴∴∴∴∴∴∴∴

Bài viết cùng danh mục